Số liệu kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty Cổ phần Vicostone cho thấy, doanh thu đạt 2.486 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 657 tỷ đồng, bằng 83,8% so cùng kỳ. Đây là kết quả tích cực hơn so với kịch bản kinh doanh thận trọng năm 2020 của Công ty.
Dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các thị trường lớn của Công ty như Mỹ, Úc, châu Âu… đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do yêu cầu giãn cách xã hội và đóng cửa nền kinh tế, các dự án và công trình bị dừng, việc đầu tư cho xây dựng mới và cải tạo giảm nghiêm trọng.
Để duy trì được kết quả trên, có thể thấy sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, xét trên 2 khía cạnh, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh trên thị trường, theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty.
Cụ thể, Công ty nỗ lực kiểm soát hoạt động kinh doanh tại các thị trường, tận dụng tối đa các cơ hội để duy trì thị phần.
Tại Viglacera, ngay sau khi hết giãn cách xã hội, khoảng 90% hệ thống bán hàng trên toàn quốc của Tổng Công ty đã được khôi phục trở lại. Các showroom, cửa hàng dần định hình lại hoạt động kinh doanh. Các đơn vị kinh doanh được yêu cầu bám sát thị trường, cung cấp đầy đủ các sản phẩm tới từng cửa hàng, xây dựng các gói hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng.
Triển khai đồng bộ công tác bày mẫu, trưng bày sản phẩm, phát triển các hoạt động thị trường khắp cả nước, các biện pháp “vừa chống dịch vừa phát triển” được thực hiện dứt khoát. Nhờ vậy, lợi nhuận tháng 5 của Viglacera đã vượt 30% so với kế hoạch.
Còn với những tân binh đang trong giai đoạn đầu tư, lắp đặt và vận hành thử máy móc như Công ty Cổ phần Hoàng Gia Pha Lê, liên doanh giữa Công ty Cổ phần Sản xuất và Công nghệ nhựa Pha Lê với Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia, đại dịch có ảnh hưởng nhưng không thể làm gián đoạn các kế hoạch của Công ty.
Gạch nhựa SPC (Stone Plastics Composite) do Hoàng Gia Pha Lê sản xuất là vật liệu xây dựng mới xuất hiện trên thị trường thế giới trong khoảng 2 năm gần đây với lớp lõi gồm bột đá CaCO3 và nhựa PVC.
Với những đặc tính như khả năng chống nước, không co ngót vật liệu khi thay đổi nhiệt độ, mối mọt, duy trì độ ổn định của bề mặt sàn…, SPC đang trở thành xu hướng được ưa chuộng trong xây dựng.
Tại thị trường Mỹ, mới xuất hiện trong 2 năm, loại vật liệu này đã chiếm tới 50% thị phần ván sàn, đạt tốc độ tăng trưởng vượt ngoài dự kiến của các nhà phân phối vật liệu.
Nhà máy gạch nhựa SPC của Công ty đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) được đầu tư 7 dây chuyền sản xuất hiện đại với số vốn 200 tỷ đồng. Bắt đầu triển khai từ tháng 9/2019, do đại dịch nên chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam hỗ trợ lắp đặt máy móc và chuyển giao công nghệ. Bằng kinh nghiệm và chịu khó học hỏi, trao đổi trực tuyến, các chuyên gia, kỹ sư của Hoàng Gia Pha Lê đã lắp đặt và vận hành thành công 4 dây chuyền.
Mới đây, các chuyên gia nước ngoài đã được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đã phối hợp tốt với các cán bộ kỹ sư của Công ty để vận hành đồng bộ các dây chuyền và cho ra sản phẩm đạt phẩm cấp xuất khẩu sang Mỹ.
Sau gần 9 tháng triển khai đầu tư, nhà máy gạch SPC với công suất 8,7 triệu m2/năm của liên doanh đã chính thức vận hành.
Song song với việc lắp đặt, đầu tư vận hành máy móc, công tác thị trường được Công ty đặc biệt chú trọng. Hoàng Gia Pha Lê đã mua bản quyền công nghệ hèm khóa của hãng Unilin thuộc Tập đoàn Mohawk (Mỹ), một trong những nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất Mỹ. Công nghệ này cho phép việc thi công sàn trở nên đơn giản và dễ dàng, lắp ráp và tháo dỡ bằng tay, không tốn chi phí thi công như các loại vật liệu lát sàn khác.
Bên cạnh đưa hàng vào hệ thống phân phối gồm 300 đại lý và 3.000 cửa hàng vật liệu khắp toàn quốc, Hoàng Gia Pha Lê đã lấy các chứng nhận GreenGuard Gold (sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường), để đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ. Cuối tháng 6/2020 vừa qua, Công ty đã xuất những lô hàng đầu tiên sang Mỹ, theo kế hoạch vào tháng 8, sản phẩm sẽ có mặt trên các kệ hàng.
Tốc độ và chủ động
Đại dịch Covid-19 là một nghịch cảnh không lường trước gây tác động tiêu cực lớn đến kinh tế – xã hội toàn cầu và đặc biệt đối với những doanh nghiệp kinh doanh quốc tế, xuất khẩu vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, năm 2020 được dự báo thị trường kinh tế – chính trị trên thế giới còn nhiều biến động khác liên quan đến tỷ giá, giá dầu và khả năng doanh nghiệp Việt Nam thuộc danh sách rà soát của Chính phủ Mỹ về chống bán phá giá. Bởi vậy, điều quan trọng với doanh nghiệp là kinh nghiệm và việc biết cách giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Chiến lược nội địa hóa và làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào đã giúp Vicostone kiểm soát được rủi ro phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài, biến động tỷ giá, chủ động về giá thành, nguồn cung và chất lượng theo đúng tiêu chuẩn cần có của Vicostone.
Tới thời điểm này, Vicostone đã hoàn thành cơ bản việc cung cấp nguồn Quartz và Cristobalite đầu vào kể từ thời điểm chính thức nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại Phenikaa Huế.
Cuối năm 2019, Nhà máy sản xuất hóa chất Phenikaa được khởi công xây dựng với mục tiêu chủ động cung cấp nguyên liệu kết dính chính trong việc sản xuất đá thạch anh nhân tạo, thúc đẩy nhanh mục tiêu nội địa hóa hoàn toàn 100% chất kết dính trong năm 2020.
Tốc độ và sự chủ động khi kinh doanh trên các thị trường quốc tế cũng là điều được ông Mai Thanh Phương – Chủ tịch nhựa Pha Lê chia sẻ.
Về mặt sản phẩm, Hoàng Gia Pha Lê hoàn toàn chủ động khi 75% nguyên liệu đầu vào của gạch nhựa SPC là bột đá CaCO3, Pha Lê đang sở hữu mỏ với trữ lượng 5 triệu tấn tại Nghệ An.
Đặc biệt, Pha Lê cũng đang sở hữu công thức phối trộn CaCO3 với các chất phụ gia để làm chủ được công nghệ ứng dụng trong quá trình tạo ra lớp cốt của gạch SPC.
Công thức này do các nhà khoa học hợp tác với Pha Lê gồm các giáo sư tiến sỹ của Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra được vào nửa đầu năm 2019.
Ông Phương cho biết, R&D vẫn tiếp tục được Pha Lê đầu tư mạnh để giảm giá thành lớp cốt sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của Công ty có giá cạnh tranh.
Tốc độ và sự chủ động tại khu vực kinh tế tập trung lớn nhất thế giới là thị trường Mỹ, cũng được doanh nghiệp tính đến. Hoàng Gia và Pha Lê đã thực hiện M&A 2 doanh nghiệp phân phối vật liệu tại Mỹ để sẵn sàng cho việc thành lập các cứ điểm bán hàng tại đây.
Bên cạnh đó, hệ thống phát triển thị trường được tổ chức thành từng nhóm, được đặt tên là các “biệt đội”, đang tính cực tuyển người, đào tạo. Đội ngũ này luôn được đặt ở trong thế sẵn sàng chờ tình hình Covid-19 dịu xuống là sẽ lập tức tỏa đi các nơi, liên tục tấn công từ thị trường liên bang đến tiểu bang, từ hệ thống bán buôn đến bản lẻ với mục đích tạo độ phủ thị trường trong thời gian ngắn nhất.
“Xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo khả năng cung ứng hàng ổn định, ở quy mô lớn. Ngay trong giai đoạn thăm dò thị trường hiện nay, một nhà phân phối đã yêu cầu Hoàng Gia Pha Lê phải đạt 50 container/tháng. Ngay khi nhà máy số 1 đi vào vận hành tối đa công suất dự kiến cuối tháng 9 tới, nhà máy số 2 tại Hải Phòng với 15 dây chuyền, công suất lớn hơn sẽ được Hoàng Gia Pha Lê khởi công tại Hải Phòng…”, ông Phương cho biết thêm.